Bộ trưởng Tô Lâm giải trình các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Căn cước
Chiều 22/6/2023, sau khi các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Cơ quan soạn thảo, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình các nội dung đại biểu nêu. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nước ta.
Đồng chí Bộ trưởng tóm tắt các ý kiến đại biểu đã nêu, tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính gồm: sự cần thiết ban hành; tính thống nhất, tính khả thi; tên gọi; thông tư dữ liệu quốc gia; nội dung trong thẻ căn cước; quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước…và cho biết, Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, giải trình báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, sau phiên thảo luận tại tổ, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội; đồng thời khẳng định, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Về sự cần thiết ban hành, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến đều nhất trí ban hành Luật Căn cước và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ Luật của Chính phủ; khẳng định trong hồ sơ dự án Luật đảm theo quy định của pháp luật, đồng thời Chính phủ đã kịp thời tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội.
Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi…, đa số đại biểu nhất trí với ý kiến, chính sách, nội dung lớn quy định trong dự thảo. “Đa số đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển và phù hợp với quy định của Hiến pháp, không xung đột với các luật khác” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
“Về tên gọi của dự án Luật, đa số đại biểu nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết. Về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về căn cước kết nối, chia sẻ khai thác thông tin, nhiều đại biểu nhất trí quy định này, vì cho rằng đây là nhu cầu thiết yếu trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số…
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình tại phiên họp. |
Theo Báo cáo giải trình của Chính phủ, về quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật Căn cước, việc bổ sung đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, Chính phủ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và thấy rằng, Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đều không điều chỉnh, quy định về quản lý Căn cước đối với người gốc Việt Nam.
Trong khi người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư... nhưng chưa có bất kỳ một văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Họ có quyền tham gia giao dịch trong xã hội; tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không Hộ chiếu, không Căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong quản lý, hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội.
Phần nhiều trong số họ là những người yếu thế (là người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, là trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…), đến nay, trải qua nhiều thế hệ (bao gồm cả con, cháu được sinh ra) đều không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.
Do vậy, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng và thống nhất phải bổ sung ngay trong dự án Luật Căn cước quy định về quản lý đối với những người gốc Việt Nam; theo đó, sẽ thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam, chứ không phải cấp thẻ Căn cước như đối với công dân Việt Nam.
Về sửa đổi tên dự thảo luật là Luật Căn cước, Chính phủ báo cáo việc chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ "Luật Căn cước công dân (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước" là để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; việc điều chỉnh này không làm thay đổi các chính sách trong dự án Luật và tác động đến các luật khác. Bên cạnh đó, tại Thông báo số 2236 ngày 25/4/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến thống nhất với việc sửa tên Luật như trên.
Toàn cảnh phiên họp. |
Về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan Nhà nước cấp; gây khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.
Do vậy, việc dự thảo Luật Căn cước bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ Căn cước; thẻ Căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước là rất cần thiết. Quy định này sẽ giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Cổng TTĐT Bộ Công an
-
Bộ Công an gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Thứ Ba, 19/11/2024
-
Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an - Y tế ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và bình yên, hạnh phúc của Nhân dân
Thứ Ba, 19/11/2024
-
Thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an và các cơ quan thực thi pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ
Thứ Ba, 19/11/2024
-
Bộ trưởng Lương Tam Quang tiếp Đại sứ Singapore
Thứ Ba, 19/11/2024
-
Việt Nam, Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh, thực thi pháp luật
Thứ Ba, 19/11/2024
-
Triển khai các giải pháp góp phần làm giảm nguồn cầu ma túy
Thứ Ba, 19/11/2024
-
Việt Nam và Pê-ru thiết lập và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát
Thứ Sáu, 15/11/2024
-
Đại hội đại biểu Chi hội Luật gia Bộ Công an nhiệm kỳ 2024-2029
Thứ Sáu, 15/11/2024
-
Việt Nam - Chile thúc đẩy hợp tác an ninh và phòng, chống tội phạm
Thứ Tư, 13/11/2024
-
Mục tiêu cao nhất là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy
Thứ Tư, 13/11/2024