Triển khai thực hiện hiệu quả một số bộ luật, luật liên quan đến công tác công an
Từ thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự năm1999; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004; Quy chế tạm giữ, tạm giam đã khẳng định vai trò quan trọng của các văn bản quy phạm pháp luật này trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, các bộ luật, luật này cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, phần nào làm hạn chế hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các Cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó Hiến pháp năm 2013 với nhiều nội dung quan trọng, nhất là các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.. là cơ sở hiến định quan trọng mở đường cho việc tiếp tục thực hiện cải cách, trong đó có yêu cầu về cải cách tư pháp. Việc phải xác định lại nhiệm vụ của BLHS, Bộ luật TTHS, việc tạm giam, tạm giữ; yêu cầu rà soát và sửa đổi vấn đề kỹ thuật lập pháp là một trong những nội dung của chiến lược cải cách tư pháp được thể hiện tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị…
Đại tá Đinh Quang Vinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Lễ ra quân tấn công trấn áp tội phạm,đảm bảo TTATGT và phòng chống các vi phạm về pháo tết Mậu Tuất 2018
Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Hiến pháp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 20/6/2017 chính thức thông qua Nghị quyết 41/2017/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 và hiệu lực thi hành của các đạo luật mới gồm: Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS, Luật tổ chức cơ quan ĐTHS, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam kể từ ngày 01/01/2018. Các đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến lực lượng Công an đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, với nhiều điểm mới, nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, dẫn đến có nhiều quy định về trình tự, thủ tục mới đặt ra những yêu cầu cấp thiết và vô cùng quan trọng đối với mỗi CBCS trong toàn lực lượng để thực sự thấm nhuần, từ đó có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động, đặc biệt là trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra xử lý tội phạm với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, phòng chống oan, sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật TTHS.
Đối với tỉnh Ninh Bình, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định định số 3543/QĐ-BCA ngày 06/10/2017, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 26/10/2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trên cơ sở đó, Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan nhanh chóng xây dựng Kế hoạch triển khai và tập huấn 04 đạo luật trên trong toàn lực lượng Công an tỉnh; trong đó đã tổ chức tập huấn chuyên sâu cho 700 đồng chí là Lãnh đạo và CBCS các đơn vị trực tiếp làm công tác điều tra xử lý tội phạm, công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, công tác giam giữ; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho CBCS nghiên cứu đầy đủ nội dung 04 đạo luật để nắm vững và thực hiện đúng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Để góp phần nâng cao hơn nữa các mặt công tác này trong thời gian tới, Công an tỉnh cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là: Cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị Công an trong tỉnh cần xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện các đạo luật theo đúng tinh thần hiệu lực thi hành của các đạo luật. Từ đó chỉ đạo quyết liệt việc phổ biến, quán triệt, triển khai, thực hiện 04 đạo luật để CBCS nắm vững các nội dung (nhất là những điểm mới, những điểm sửa đổi, bổ sung có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến lĩnh vực công tác) và các văn bản hướng dẫn, qua đó thống nhất về nhận thức và vận dụng đúng vào thực tiễn công tác. Công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, các đồng chí lãnh đạo cấp phó được giao nhiệm vụ phụ trách công tác điều tra xử lý tội phạm, công tác thi hành án hình sự và HTTP.
Hai là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và kiện toàn cán bộ thuộc Cơ quan điều tra, Cơ quan THAHS và HTTP đảm bảo về số lượng và chất lượng; kiên quyết loại ra khỏi lực lượng điều tra, lực lượng cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức.
Ba là: Quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; biểu dương, khen thưởng kịp thời CBCS có thành tích xuất sắc để động viên, khuyến khích và nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, kỷ luật đối với điều tra viên, CBCS có nhiều sai phạm trong quá trình điều tra các vụ án, nhằm hạn chế thấp nhất sai phạm xảy ra.
Việc tổ chức học tập, nghiên cứu các đạo luật mới cần phải được cụ thể hóa vào chương trình tự học, tự rèn, tự đào tạo của từng đơn vị, cá nhân; có kế hoạch tổ chức tập huấn, sinh hoạt nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm, quản lý giam giữ, thi hành án hình sự; đồng thời cần đa dạng hóa các hình thức tập huấn, sinh hoạt nghiệp vụ như: tổ chức các buổi tọa đàm, các hội thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức các Câu lạc bộ pháp luật trong đoàn viên, hội viên; tăng cường đối thoại, thảo luận giữa Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị với CBCS về nội dung mới của các đạo luật…
Bốn là: Các đơn vị chức năng của Công an tỉnh tổ chức triển khai, giám sát thực thi pháp luật hình sự và đặc biệt là triển khai công tác giải thích hướng dẫn; phát huy hơn nữa chức năng thanh tra, kiểm tra hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban hình sự, nắm chắc tình hình địa bàn để nhanh chóng, kịp thời tiếp nhận, giải quyết đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra xử lý tội phạm; kịp thời phát hiện những sai phạm, vi phạm về tố tụng hình sự, đôn đốc, chấn chỉnh, sửa chữa. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình, oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Chỉ đạo cơ quan THAHS Công an huyện, thành phố quản lý chặt chẽ số người bị kết án phạt tù còn ở ngoài xã hội, số người chấp hành án phạt khác tại xã, phường và thị trấn. Nâng cao hiệu quả bắt truy nã, áp giải thi hành án.
Năm là: Chú trọng tổ chức công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là các quy định mới. Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, các đơn vị cần tập hợp các vướng mắc trong việc chấp hành các quy định mới của pháp luật, cũng như những bất cập về áp dụng pháp luật để đề nghị Bộ Công an có hướng dẫn áp dụng thống nhất hoặc kiến nghị, khắc phục kịp thời. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với VKS, TAND cùng cấp theo quy chế phối hợp liên ngành nhằm trao đổi, thống nhất và vận dụng đúng các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm và công tác THAHS, kiên quyết không chủ quan xuôi chiều khi vận dụng các quy định của pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm.
Việc thực hiện pháp luật hình sự được thể hiện qua các hình thức: tuân thủ pháp luật hình sự, chấp hành pháp luật hình sự, sử dụng pháp luật hình sự và áp dụng pháp luật hình sự; trong đó lực lượng công an có vai trò nòng cốt trong sử dụng và áp dụng pháp luật hình sự. Vì vậy việc sớm ban hành các kế hoạch, chương trình triển khai các đạo luật của Công an tỉnh là điều cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn. Tin tưởng rằng với hành động cụ thể và việc phát huy vai trò gương mẫu, chủ động của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nghiệp vụ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an Ninh Bình sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà./.
Đại tá Đinh Quang Vinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh
-
Bổ sung quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy
Thứ Sáu, 15/11/2024
-
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
Thứ Ba, 12/11/2024
-
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài
Thứ Ba, 12/11/2024
-
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy
Thứ Sáu, 08/11/2024
-
Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu
Thứ Sáu, 08/11/2024
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Thứ Tư, 06/11/2024
-
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kiến thức về công tác xuất nhập cảnh cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Thứ Ba, 05/11/2024
-
Một số nội dung quan trọng của Luật số số 42/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV quy định về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Thứ Ba, 05/11/2024
-
Công an tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024
Thứ Hai, 04/11/2024
-
Công an huyện Yên Mô tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cho đội ngũ chủ doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn
Thứ Hai, 04/11/2024