Thứ Năm, 21/11/2024

Xây dựng, ban hành Luật “Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Ba, 29/03/2022

Hơn 10 năm qua, thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã góp phần quan trọng phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng nhiều mặt đến phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, việc Chính phủ giao cho Bộ Công an xây dựng dự thảo, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật giao thông đường bộ là thực sự cần thiết, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình xã hội hiện nay.

cbcs-phong-canh-sat-giao-thong-kiem-tra-xu-ly-cac-phuong-tien-giao-thong-vi-pham-cac-quy-dinh-ve-tai-trong-1CBCS Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về tải trọng

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ vào thực tiễn khách quan và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm khoa học, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập của Luật giao thông đường bộ năm 2008.

luc-luong-canh-sat-giao-thong-ra-quan-bao-dam-trat-tu-atgt-tren-dia-ban-1Lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn

Theo đó thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện đang đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Đây là hai lĩnh vực có phạm vi lớn, có các nội dung khác biệt rõ ràng nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một Luật nên không thể quy định một cách đầy đủ, rõ ràng, không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra để phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, ở Việt Nam đã xảy ra hơn hàng chục vạn vụ tai nạn giao thông, làm chết hàng vạn người, đồng thời gây thiệt hại rất lớn về tài sản, để lại nỗi đau và di chứng dai dẳng cho rất nhiều gia đình và gánh nặng cho xã hội đã đặt ra yêu cầu phải có những quy định cụ thể, sát hợp hơn nữa cho công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện nay.

Đồng thời, trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, nhất là các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng giả, hàng lậu…ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Cùng với đó, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ và tự thân đang phát triển theo hướng chuyên sâu, đã có sự phân công tương đối rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và ngày càng nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Thực tiễn thi hành các luật, bộ luật được tách ra đã phát huy hiệu quả tương đối rõ ràng do đã có cơ quan chịu trách nhiệm chính, có các biện pháp thực hiện cụ thể, có các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho người dân, cơ quan, tổ chức và góp phần quan trọng cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội

Mặt khác, trong quá trình xây dựng dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển cho thấy các nước đó đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ được quy định trong luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, luật về vận tải đường bộ

Từ những yêu cầu, nhiệm vụ đó, việc Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì, soạn thảo, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì Luật này đã điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, chi tiết và có những điểm mới, quy định toàn bộ các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua sẽ góp phần đảm bảo tốt TTATGT nói riêng, ANTT nói chung, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

Nguyễn Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686231

Trực tuyến: 113

Hôm nay: 2055

Chung nhan Tin Nhiem Mang