Thứ Năm, 21/11/2024

Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng học sinh, sinh viên mở, mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ Năm, 05/09/2024

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục có diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước; lợi dụng quan hệ tình cảm; mua bán, trao đổi hàng hóa qua mạng; gửi tiền, quà từ nước ngoài về; gửi tin nhắn trúng thưởng, tuyển dụng nhân viên làm việc trực tuyến; thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền,... 

Trong đó, đáng chú ý, thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm trên không gian mạng còn tổ chức lôi kéo, dụ dỗ các em học sinh, sinh viên tham gia mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... 

Đối tượng tiếp cận của tội phạm thường là các em học sinh THCS, THPT, sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã được cấp Căn cước, chúng lôi kéo, dụ dỗ các em dùng Căn cước mở tài khoản ngân hàng, rồi mua lại tài khoản đó. 

Sau khi thỏa thuận việc mua bán, các đối tượng cung cấp cho các em máy điện thoại di động có sẵn sim điện thoại để ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ Internet Banking, SMS Banking; sau khi hoàn thiện thủ tục tại ngân hàng, các đối tượng yêu cầu các em chuyển lại điện thoại, mật khẩu OTP ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký mở tài khoản. 

Cảnh giác với hình thức lợi dụng học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (Ảnh ITN)

Hoặc các đối tượng cũng tổ chức thu gom các thẻ ngân hàng, mã OTP của các em học sinh, sinh viên. Mỗi tài khoản đối tượng trả cho các em học sinh từ 200.000đ đến 500.000đ. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã thuê mở và mua được nhiều tài khoản ngân hàng từ học sinh, sử dụng các tài khoản này để thực hiện hành vi phạm tội; gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra của các cơ quan chức năng.  Trong khi đó, các em học sinh, sinh viên, nhất là các em học sinh đa số chưa có hiểu biết đầy đủ về pháp luật nên dễ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, lôi kéo, không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật.

 Do đó, các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục, mỗi người, mỗi nhà cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với lực lượng Công an trong tuyên truyền, thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức nhờ các em học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng, mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội. Các em học sinh, sinh viên chú ý nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia vào việc làm thuê, làm hộ, không mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng để tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Mỗi người, mỗi nhà khi phát hiện các dấu hiệu bị lôi kéo, dụ dỗ mua bán thẻ ngân hàng, tài khoản ngân hàng hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết, xử lý kịp thời.

                                      An Quốc Huy, Phòng An ninh chính trị nội bộ

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686722

Trực tuyến: 177

Hôm nay: 2546

Chung nhan Tin Nhiem Mang