Thứ Năm, 21/11/2024

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn diễn biến phức tạp của bệnh Bạch hầu trong tình hình hiện nay

Thứ Hai, 15/07/2024

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại Hà Giang, Bắc Giang, Nghệ An và đã ghi nhận ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Bệnh viện Công an tỉnh Ninh Bình hướng dẫn cán bộ chiến sỹ (CBCS) và người dân cách nhận biết đặc điểm, triệu chứng, đường lây truyền và phòng, chống bệnh bạch hầu, cụ thể như sau:

1. Đặc điểm

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch. Bệnh gây nên bởi một loại vi khuẩn thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. 

Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc xin.

2. Triệu chứng lâm sàng

Sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau họng, ho, nuốt khó, nuốt đau, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng, ác tính (tắc đường thở, viêm cơ tim, suy tim cấp, suy thận, tổn thương thần kinh…) và có thể tử vong.

Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất CBCS và người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

3. Đường lây truyền

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu hoặc tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng.

4. Cách phòng, chống bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh chưa được loại trừ ở nước ta, do đó CBCS và người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, CBCS và người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vắc xin đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể. Người lớn có thể tiêm phòng mũi nhắc lại bạch hầu trước năm 65 tuổi.

CBCS và người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế./.

Description: bach-hau-17205327326521036261084-1720662403115-17206624032431607886525.jpeg

Lâm Thị Phương Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686638

Trực tuyến: 184

Hôm nay: 2462

Chung nhan Tin Nhiem Mang