Chủ động phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ mà đỉnh cao là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) bên cạnh việc đem lại nhiều tiện ích cho con người cũng là điều kiện để tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động, thâm nhập vào đời sống để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) dưới nhiều hình thức. Tại tỉnh Ninh Bình, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo CĐTS đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lớn. Có thể khái quát một số thủ đoạn phổ biến của các đối tượng như sau:
Lừa đảo CĐTS qua mạng xã hội Facebook: Các đối tượng sử dụng kỹ thuật để chiếm đoạt (hack) tài khoản Facebook, mạo danh chủ tài khoản yêu cầu người thân, bạn bè của chủ tài khoản đó gửi thẻ điện thoại hoặc chuyển khoản ngân hàng (tài khoản do các đối tượng thuê người khác mở). Sau khi nhận được số thẻ nạp điện thoại và tiền chuyển khoản ngân hàng các đối tượng thường nạp tiền vào ví điện tử hoặc sử dụng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền đến nhiều tài khoản game online khác nhau được lập bằng thông tin giả, sau đó mới rút tiền mặt. Trong thời gian đầu tháng 01/2018 phòng Cảnh sát hình sự đã phá chuyên án 994L, bắt 03 đối tượng ở địa bàn thành phố Huế sử dụng thủ đoạn nêu trên lừa đảo CĐTS của nhiều người, ở nhiều địa bàn, trong đó có 02 người ở tỉnh Ninh Bình với số tiền chiếm đoạt là 120 triệu đồng.
Ngoài ra thời gian gần đây xuất hiện một thủ đoạn mới là sau khi hack tài khoản Facebook (thường là của người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài) đối tượng nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản ở Việt Nam hỏi số tài khoản ngân hàng nhờ nhận tiền để gửi cho người nào đó, khi biết số tài khoản của nạn nhân, thay vì chuyển tiền, kẻ lừa đảo gửi cho nạn nhân một đoạn mã số (Code) và nói nạn nhân nhập vào dòng Code đó với lý do là để nạn nhân nhận được tiền chuyển về. Đoạn Code đó chính là mã xác nhận lệnh để các đối tượng có thể rút toàn bộ số tiền hiện có trong tài khoản của nạn nhân.
Lừa đảo CĐTS qua tài khoản thư điện tử (email): Đối tượng tấn công, xâm nhập vào tài khoản email của doanh nghiệp, theo dõi và nắm bắt các thông tin giao dịch của doanh nghiệp với đối tác. Những thông tin này có thể bao gồm hợp đồng, hóa đơn bản scan có chữ ký, con dấu của cả hai bên…Sau đó đối tượng tạo ra hai tài khoản email giả mạo có tên gần giống với tên tài khoản mail của hai công ty này và gửi thư đến đối tác thông báo về việc thay đổi tài khoản ngân hàng, yêu cầu đối tác chuyển tiền mua hàng vào tài khoản của các đối tượng, cùng với đó là các giấy tờ, hóa đơn đã được các đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép chữ ký, con dấu được gửi sang để tạo lòng tin. Đối tác tin tưởng đang giao dịch với doanh nghiệp nên chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng. Với thủ đoạn này đối tượng có thể chiếm đoạt số tiền rất lớn, đến khi hai bên gặp mặt hoặc trao đổi qua điện thoại mới phát hiện ra.
Lừa đảo CĐTS qua phần mềm giả lập số điện thoại: Thủ đoạn của đối tượng là dịch vụ gọi điện thoại qua Internet (VoIP) với phần mềm giả lập số điện thoại (giống hệt số máy của các cơ quan chức năng) giả làm nhân viên các nhà mạng báo số thuê bao đang nợ cước để lấy thông tin cá nhân. Sau đó đối tượng khác tiếp tục giả làm cán bộ Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án, thông báo họ bị nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền, hoặc tham nhũng…Vì vậy, để phục vụ yêu cầu điều tra, phải hợp tác bằng cách khai rõ những khoản tiền đang gửi ở ngân hàng, yêu cầu rút về nộp cho "cơ quan pháp luật" bằng cách gửi vào tài khoản mà chúng cho sẵn, sau khi xác minh, nếu không liên quan thì sẽ hoàn trả tiền chỉ trong 1-2 ngày…Để khiến bị hại thực sự lo lắng, và tạo lòng tin, đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Các nạn nhân kiểm tra và tổng đài xác thực đó đúng là số máy của các cơ quan pháp luật. Do vậy nhiều người đã làm theo hướng dẫn và chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, họ chỉ phát hiện ra việc mình bị lừa khi đối tượng không hồi âm lại.
Lừa đảo với hình thức kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp: Trong thời gian qua mặc dù không được ngân hàng nhà nước Việt Nam công nhận nhưng đồng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự có giá trị tăng chóng mặt. Một số đối tượng đã lập website liên quan đến hoạt động giao dịch tiền ảo Bitcoin, sau đó tự quảng cáo đây là hình thức đầu tư có lợi nhuận cao để mời chào người dân tham gia mua các mã AOC (mã tiền ảo). Bên cạnh đó loại hình kinh doanh đa cấp qua mạng với thủ đoạn lập ra các website kêu gọi khách hàng tham gia góp vốn đầu tư vào công ty, nhưng thực tế, đối tượng không dùng tiền này vào mục đích kinh doanh mà chỉ sử dụng tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Theo mô hình giới thiệu, cứ một vài ngày mỗi cá nhân tham gia một mã sẽ được nhận một số tiền và được nhận nhiều đợt. Do đó theo tính toán trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng thì khách hàng nhận được số tiền gấp 3 lần số vốn bỏ ra. Ngoài ra khi giới thiệu được khách hàng khác tham gia cũng được chia thêm lợi nhuận. Với mức lợi nhuận cực kỳ “khủng” rất nhiều người đã đầu tư vào website kinh doanh tiền ảo hoặc kinh doanh đa cấp. Khi đã chiếm đoạt được một lượng tiền lớn đối tượng chủ động đánh sập website, và bỏ trốn.
Ngoài những thủ đoạn nêu trên, trong thời gian qua các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn khác như: Đăng tin bán xe máy lậu do Hải quan thanh lý để dụ dỗ người bị hại ham rẻ gửi tiền đặt cọc mua xe để chiếm đoạt; Làm quen qua Facebook hứa hẹn tặng quà có giá trị cao, sau đó giả danh nhân viên hải quan yêu cầu người bị hại gửi tiền “nộp thuế nhận quà” để chiếm đoạt; Lập trang web, gửi tin nhắn spam trên mạng xã hội với nội dung thông báo chương trình khuyến mãi gấp 10 lần giá trị thẻ nạp cho người dùng để lừa nạp thẻ cào điện thoại, thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại, trúng xổ số lừa tiền thuế;…
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao lừa đảo CĐTS, Phòng Cảnh sát hình sự đưa ra thông báo về thủ đoạn của tội phạm, đồng thời khuyến cáo người sử dụng mạng Internet lưu ý những nội dung sau để phòng ngừa loại tội phạm này.
1. Người sử dụng Internet qua máy tính để bàn, laptop, thiết bị di động nên sử dụng hệ điều hành bản quyền, cài đặt các phần mềm Internet security, Antivirus có bản quyền để ngăn chặn tin tặc tấn công, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Khi sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat, sử dụng email hoặc dịch vụ Internet banking người dùng cần đề cao cảnh giác, kích hoạt tính năng xác thực hai lớp, sử dụng mật khẩu OTP cùng mật khẩu thông thường; không truy cập vào những đường link trang web lạ hoặc trả lời những tin nhắn lạ để tránh bị các đối tượng “hack” mật khẩu, chiếm quyền quản trị, lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người thân, bạn bè của mình.
3. Khi nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân yêu cầu chuyển tiền, nhận tiền, rủ kinh doanh thẻ nạp tiền điện thoại…qua mạng xã (Facebook, Zalo, Wechat…) hãy dùng điện thoại gọi trực tiếp hoặc gọi video cho bạn bè, người thân của mình để trực tiếp kiểm tra, xác nhận. Trong trường hợp chưa xác minh được thì không chuyển tiền, mã số nạp tiền điện thoại hay làm theo các yêu cầu khác trong tin nhắn.
4. Đối với các doanh nghiệp sử dụng email để giao dịch, phải thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật, liên lạc trực tiếp với đối tác để xác thực khi có thông báo thay đổi về tài khoản ngân hàng.
5. Cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cung cấp số tài khoản ngân hàng, chuyển khoản ngân hàng hoặc thông báo trúng thưởng, trúng xổ số; Cảnh giác khi nhận được những lời mời kinh doanh đa cấp, kinh doanh vàng, kinh doanh tiền ảo.
6. Các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo CĐTS của tội phạm sử dụng công nghệ cao đến cán bộ, nhân viên và khách hàng. Khi phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường, nhân viên ngân hàng chủ động cảnh báo cho khách hàng về thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đề nghị khách hàng kiểm tra lại giao dịch để hạn chế các thiệt hại xảy ra cho khách hàng./.
Trung tá Tống Như Sơn
Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự
-
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ
Thứ Ba, 25/03/2025
-
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp
Thứ Ba, 18/03/2025
-
Công an xã Gia Tân, huyện Gia Viễn phát hiện, bắt quả tang 10 đối tượng đánh bạc bằng hình thức đánh liêng
Thứ Hai, 17/03/2025
-
Triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc do người Trung Quốc cầm đầu cấu kết với người Việt Nam thực hiện
Thứ Bảy, 08/03/2025
-
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 13 tỷ đồng
Thứ Bảy, 08/03/2025
-
Công an xã Gia Tân, huyện Gia Viễn điều tra, xử lý nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng trên địa bàn
Thứ Hai, 03/03/2025
-
Cảnh giác lừa đảo giả danh cơ quan công an hướng dẫn tích hợp điểm giấy phép lái xe
Thứ Hai, 03/03/2025
-
Cảnh giác với những lời chào mời hấp dẫn “việc nhẹ lương cao”
Chủ Nhật, 02/03/2025
-
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư tài chính, chứng khoán trên không gian mạng
Chủ Nhật, 02/03/2025
-
Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Công an hướng dẫn tích hợp điểm giấy phép lái xe
Thứ Bảy, 01/03/2025