Thứ Năm, 21/11/2024

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ- Yêu cầu cần thiết, tất yếu, góp phần đảm bảo tốt trật tự, an toàn giao thông, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Thứ Ba, 18/04/2023

Những kết quả sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã góp phần quan trọng phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng và phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh và cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân, tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng nhiều mặt đến phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện ở:

Thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Đây là hai lĩnh vực có phạm vi lớn, có các nội dung khác biệt rõ ràng nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một Luật nên không thể quy định một cách đầy đủ, rõ ràng, không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đề ra để phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ.

Lực lượng CSGT Công an toàn tỉnh phối hợp tuyên truyền công tác bảo đảm TTATGT cho học sinh, sinh viên

Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 1/2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội…tài sản và tính mạng của nhân dân. 

Lực lượng Công an kiểm tra trật tự ATGT đường thuỷ tại các tuyến giao thông thuỷ nội địa trên địa bàn

Các Tổ công tác của lực lượng liên hợp tăng cường kiểm tra các vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn

Thứ ba, trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, nhất là các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng giả, hàng lậu…ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện hành vi vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ

Thứ tư, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ và tự thân đang phát triển theo hướng chuyên sâu, đã có sự phân công tương đối rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và ngày càng nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Thực tiễn thi hành các luật, bộ luật được tách ra đã phát huy hiệu quả tương đối rõ ràng do đã có cơ quan chịu trách nhiệm chính, có các biện pháp thực hiện cụ thể, có các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho người dân, cơ quan, tổ chức. 

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện, xử lý phương tiện giao thông cơi nới thành, thùng

Thứ năm, trong quá trình xây dựng dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ được quy định trong luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, luật về vận tải đường bộ.

Từ những hạn chế, bất cập đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm tốt trật tự ATGT đường bộ, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân, việc Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì, soạn thảo, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh 6 chính sách, gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với dự thảo Luật gồm 8 chương, 61 điều là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, chi tiết và có những điểm mới, quy định toàn bộ các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua sẽ góp phần đảm bảo tốt TTATGT nói riêng, ANTT nói chung, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./. 

Nguyễn Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686553

Trực tuyến: 186

Hôm nay: 2377

Chung nhan Tin Nhiem Mang