Thứ Năm, 21/11/2024

Lực lượng Công an tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã trên địa bàn

Thứ Tư, 01/11/2023

Nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã, nhất là đối với các hành vi săn bắt, tiêu thụ chim trời, thời gian qua, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ động vật hoang dã, trọng tâm là: Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; Chỉ thị số 29/CT-TTg, ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã; Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Kế hoạch số 253/KH-UBND, ngày 06/6/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 20/KH-UBND, ngày 10/2/2023 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình… 

Đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng săn bắt, mua bán, tiêu thụ trái phép các loại động vật hoang dã trên địa bàn; kết quả của lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã… Phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ trái phép các loại động vật hoang dã, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đảm bảo tốt ANTT ngay từ địa bàn cơ sở.

Lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định
của pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện thành phố tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình, địa bàn, thường xuyên rà soát, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ, biểu hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã, từ đó có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh cụ thể. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy, đường bộ, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi, nhốt, giết, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật; nhất là các hành vi sử dụng keo dính, giăng lưới, điện… để bẫy chim hoang dã, các hành vi sử dụng bẫy, súng tự chế để sắn bắn các loại động vật hoang dã.

Do triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác, từ tháng 8/2023 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 63 vụ, 63 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm; trong đó có 42 vụ săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và tiêu thụ các loài chim trời; Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 7 vụ, 7 đối tượng.

Mặc dù lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời ở một số địa bàn trong tỉnh vẫn diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng về sinh học, hệ sinh thái, loài và nguồn gen ở các loài sinh vật hoang dã. Do đó, trong thời gian tới, vẫn rất cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về công tác này của người dân. Có như vậy, mới góp phần bảo vệ, phát triển các loài động vật hoang dã, đồng thời bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn, bảo vệ sự đa dạng về sinh học, hệ sinh thái, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh./.

Lương Trang

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686269

Trực tuyến: 140

Hôm nay: 2093

Chung nhan Tin Nhiem Mang