Thứ Tư, 02/04/2025

THỰC HIỆN DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ ANTT Ở CƠ SỞ GÓP PHẦN BẢO ĐẢM TINH GIẢN BIÊN CHẾ, GIẢM CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thứ Tư, 28/10/2020

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra khi trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chiều ngày 24/10.

            Tại cuộc họp, theo Bộ trưởng Tô Lâm việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (LLTGBVANTTCS) là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này.

Dự án Luật điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng LLTGBVANTTCS gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Theo đó, việc sắp xếp, bố trí thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung với tên gọi là LLTGBVANTTCS sẽ cắt giảm khoảng 500.000 người tham gia công tác này. Từ giảm biên chế, mức chi từ ngân sách nhà nước cho lực lượng này sẽ giảm theo và chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ, bỏ chi trả phụ cấp hàng tháng.

Cũng theo dự thảo Luật, quy định rõ 7 nhóm nhiệm vụ của LLTGBVANTTCS, đó là:

– Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

– Tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

– Thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

– Tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn.

– Tham gia vận động, thuyết phục, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng.

– Bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù.

– Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

Như vậy, theo tính toán, chi ngân sách nhà nước sẽ giảm, cụ thể như sau: Hiện toàn quốc có 72.456 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố, nếu tính trung bình 1 thành viên/tháng được hưởng mức phụ cấp bằng mức lương cơ sở (tương đương 1.490.000 đồng/tháng) thì ngân sách nhà nước 1 tháng phải bảo đảm khoảng 100 tỷ đồng để chi trả phụ cấp cho toàn bộ thành viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố trên toàn quốc. Trung bình 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng để chi trả.

Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nếu nhập vào cùng với lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng để thành một lực lượng chung, bỏ quy định chi trả phụ cấp hàng tháng cho các chức danh Công an xã bán chuyên trách thì sẽ cắt giảm được kinh phí từ ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp hàng tháng.

Cụ thể, với 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách trên toàn quốc, nếu tiếp tục được sử dụng thì tính trung bình 1 người/tháng được hưởng mức phụ cấp bằng mức lương cơ sở (tương đương 1.490.000 đồng/tháng), nghĩa là ngân sách 1 tháng phải bảo đảm khoảng 180 tỷ đồng để chi trả phụ cấp. Trung bình 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm khoảng 2,8 tỷ đồng/tháng để bảo đảm chi trả.

Nhưng theo dự thảo luật, hàng tháng các địa phương có thể cắt giảm và không phải bảo đảm kinh phí từ ngân sách (trung bình khoảng 2,8 tỷ đồng/tháng) để chi trả phụ cấp cho các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc sắp xếp thống nhất 3 lực lượng thì có thể giảm chi ngân sách cho khoảng gần 500.000 người, tương đương với việc cắt giảm chi 375 tỷ đồng/tháng để chi hỗ trợ cho LLTGBVANTTCS. Do vậy, việc đề xuất xây dựng, ban hành Luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước mà góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.

Việc ban hành luật sẽ kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy. Đây cũng là cơ sở pháp lý để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí Công xã chính quy trong toàn quốc.

Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30.000 Công an xã chính quy (trừ 5 địa phương không có địa bàn xã là huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Lý Sơn). Hiện còn 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ Công an xã, do đó rất nhiều địa phương đang đợi văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể về bố trí công việc, nhiệm vụ được thực hiện, chế độ, chính sách đối với số Công an xã bán chuyên trách này.

                                                                                                         

Công an tỉnh Ninh Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 4110733

Trực tuyến: 87

Hôm nay: 1594

Chung nhan Tin Nhiem Mang