Thứ Sáu, 16/05/2025

Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc quan điểm phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta trong bối cảnh, tình hình hiện nay

Thứ Năm, 15/05/2025

Ngày 4/5/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 68, đây là văn bản quan trọng của Đảng ta đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động liên tục đưa ra những luận điệu chống phá, xuyên tạc, bóp méo chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng phát triển kinh tế tư nhân là sự thất bại của kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở đường cho việc từ bỏ CNXH để đi theo CNTB tại Việt Nam…

Thực tế, coi trọng kinh tế tư nhân luôn là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta và dần dần được hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” được ra đời trên cơ sở kế thừa, phát triển sáng tạo tư duy, nhận thức của Đảng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân như là một trong những giải pháp đột phá, tạo cú huých cho kỷ nguyên vươn mình, phát triển thịnh vượng của dân tộc.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp cùng đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân…

Tổng Bí thư Tô Lâm với quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” (Ảnh ITN)

Tuy nhiên, với quyết tâm chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam đã lập tức đưa ra những luận điệu phủ nhận, bóp méo, xuyên tạc vấn đề này…Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, họ tuyên truyền, rêu rao rằng Đảng ta đưa ra quan điểm này là “bất nhất”,“mâu thuẫn với quan điểm của các thời kỳ trước”; công kích Việt Nam có dấu hiệu “đổi mầu”; Việt Nam sắp “tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân”…

Có thể thấy, đây vẫn chỉ là chiêu bài “bình mới, rượu cũ” với mục đích cuối cùng của các đối tượng vẫn là bóp méo, xuyên tạc và bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước, cố tình không nhận thấy rằng đây là sự vận dụng hợp lý chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào bối cảnh, điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay…

Trước đây, khi kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa có nhiều khởi sắc, các đối tượng cũng lên tiếng, đổ lỗi đó là do sự “trói buộc”,“rào cản” về thể chế, chính sách… đến thời điểm phù hợp, khi Đảng ta đưa ra quan điểm coi “kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế” thì các đối tượng lại xuyên tạc là Việt Nam “bất nhất”, có dấu hiệu “đổi mầu”, “chệch hướng”… 

Thực tế hiện nay, phát triển kinh tế tư nhân không phải là “tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân”, mà là “khơi thông mọi nguồn lực, phát huy tối đa nguồn lực lớn nhất của đất nước, bởi nguồn lực của kinh tế tư nhân không phải chỉ ở các doanh nghiệp, mà còn nằm ở chính trong Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực kinh tế Nhà nước hay kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, và nền kinh tế quốc gia chỉ thật sự cường thịnh khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà nhà, ai cũng hăng say lao động.

Quan điểm này thể hiện sâu sắc tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp nội lực với ngoại lực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng thành phần kinh tế, dựa vào sức mạnh của Nhân dân để làm cuộc cách mạng đột phá đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” cũng chính là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường của Đảng ta trong suốt chặng đường đổi mới. Đây không phải là luận điệu “bất nhất” như các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc, cũng không hề mâu thuẫn với nhận thức của Đảng trong các giai đoạn trước, mà hoàn toàn thống nhất với đường lối phát triển đất nước theo con đường XHCN do dân tộc ta đã lựa chọn…

Thực tiễn cho thấy, những kết quả mà kinh tế tư nhân đạt được đã chứng minh vai trò, vị trí “đòn bẩy” quan trọng của nền kinh tế và sự hoàn thiện dần quan điểm, nhận thức, lý luận của Đảng ta đối với kinh tế tư nhân. Chính trên cơ sở sự thay đổi, phát triển nhận thức đúng đắn, kịp thời về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân với những cơ chế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo những điều kiện, tiền đề để kinh tế tư nhân phát triển, không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế đất nước hiện nay…

Trong hai thập kỷ trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ, với gần một triệu doanh nghiệp, năm triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội…

Khu vực kinh tế tư nhân đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Với tiềm năng và thực lực đó, kinh tế tư nhân được đánh giá là khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế đất nước hiện nay. Tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân cũng là tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới…

Như vậy có thể khẳng định, dù các thế lực thù địch, các đối tượng phản động có đưa ra bao nhiêu luận điệu để phủ nhận, bóp méo, xuyên tạc vấn đề phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam thì càng chứng tỏ rõ hơn bản chất hằn học, chống phá dai dẳng, quyết liệt của họ đối với Việt Nam bấy nhiêu. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa với các luận điệu đó, đồng thời tuyệt đối vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng để chung tay xây dựng nước Việt Nam ngày càng phát triển, văn minh, giàu mạnh, hùng cường.../.

Nguyễn Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 4308319

Trực tuyến: 80

Hôm nay: 4266

Chung nhan Tin Nhiem Mang