Thứ Hai, 31/03/2025

Chủ động cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Thứ Năm, 20/03/2025

Vừa qua, 26/2/2025, tổ chức Freedom House, có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) đưa ra Bản phúc trình Tự do toàn cầu 2025 mang tựa đề “The Uphill Battle to Safeguard Rights”, theo đó, tổ chức này tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm 67 quốc gia không có tự do, đó là những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, xuyên tạc về các vấn đề liên quan đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Bản phúc trình trên một lần nữa thể hiện những chiêu trò, những nhận định hết sức phiến diện, thiếu chính xác, thiếu khách quan với tư tưởng chống phá Việt Nam theo hướng “Bổn cũ soạn lại”; tổ chức này với cái mắc tự gắn “Vì nhân quyền”, “Vì tự do”, đã liên tục thể hiện sự “Bất chấp thực tế, bất chấp lẽ phải” để phủ nhận những nỗ lực, cố gắng và thành tựu đã đạt được của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người trong thời gian qua...

Luận điệu xuyên tạc của tổ chức Freedom House đối với Việt Nam

Trước đó, năm 2024, trong Bảng xếp hạng Tự do Internet, Freedom House cũng đã chấm điểm Việt Nam ở mức “Không có tự do” với những cáo buộc rằng Việt Nam ngăn chặn quyền truy cập Internet và hạn chế về nội dung của người dùng. Điều đáng chú ý là sau khi Bản báo cáo này được công bố, lần lượt một số các trang tin trên ở nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tiếp tục có những bài viết, bài bình luận, những bổ sung, thêm thắt thêm những sự kiện, thông tin bịa đặt, xuyên tạc để vu cho Việt Nam độc tài, đàn áp tự do ngôn luận, Internet...

Thực tế Freedom House là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1941, hoạt động của tổ chức này kể từ khi thành lập chủ yếu là đả kích, chống lại các quốc gia, phong trào cộng sản, thậm chí chống lại các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của giới trẻ Mỹ vào thời kỳ trước năm 1975, các hoạt động chống lại phong trào đòi quyền bình đẳng, chống phân biệt chủng tộc của người da đen trên đất Mỹ cũng như toàn cầu. Nhìn vào lịch sử hoạt động của Freedom House, dù tôn chỉ, mục đích là “Theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”, là “Một tiếng nói minh bạch cho dân chủ và tự do trên thế giới” nhưng thực chất họ lại tiến hành những hoạt động bất bình đẳng, vi phạm quyền con người, cổ xuý cho những hoạt động đe doạ nghiêm trọng đến quyền con người trên thế giới, họ cũng từng được cho là có sự liên quan vào các cuộc bạo loạn lật đổ chính quyền ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Serbia, Ukraine và Kyrgyzstan, Iraq, Syria... hiện nay, tổ chức này đang bị cấm hoạt động tại nhiều quốc gia như Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Cuba, Sri Lanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria...

Do đó, việc Bản báo cáo phúc trình của Freedom House vu cáo và xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “Không có tự do” về nhân quyền cũng như Internet càng cho thấy bản chất chống phá của họ với Việt Nam, những hoạt động như báo cáo, kiến nghị, chấm điểm… đều có chung ý đồ là bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới đối với lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tạo cớ để chống phá…

Thực tế, việc bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã khẳng định rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước, ra nước ngoài”. Hiến pháp năm 2013 là sự kế thừa, phát triển của những bản Hiến pháp trước đó, tiếp tục khẳng định công dân có nhiều quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận…

Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Việt Nam cũng đã phê chuẩn và thực thi nhiều công ước quốc tế về nhân quyền như Công ước chống tra tấn (CAT), Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR); đồng thời chủ động đưa ra các kiến nghị về việc cải thiện cơ chế giám sát và xử lý tội ác chống lại loài người. Những cải tiến này không chỉ dừng lại ở cấp quốc tế mà còn được Việt Nam áp dụng vào hệ thống pháp luật trong nước như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế…

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, chỉ số phát triển con người của Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới (tăng gần 46% trong 30 năm qua); tỷ lệ biết chữ cũng ở mức cao (trong độ tuổi từ 15 - 60 là 97,85%, độ tuổi từ 15 – 35 là 99,3%); “tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% dân số lên 90,7%”. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) và nhận được nhiều ghi nhận trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Theo chỉ số trật tự và luật pháp toàn cầu mới nhất, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hòa bình nhất ở châu Á và an toàn thứ 7 trên toàn thế giới.

Tại Phiên họp ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Việt Nam đã thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7%. Đây là tỉ lệ chấp thuận cao nhất của ta trong 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Vai trò của Việt Nam không chỉ giới hạn ở việc tham gia mà còn chủ động thúc đẩy hợp tác, sáng kiến và cải tiến các cơ chế pháp lý toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế. Với vai trò này, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng như việc thúc đẩy các nghị quyết về bảo vệ dân thường trong xung đột, ứng phó với hậu quả của chiến tranh và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) và nhiều cơ chế quan trọng khác của Liên hiệp quốc. Từ khi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc được thành lập năm 2006 đến nay, Việt Nam hai lần trúng cử vào hội đồng này và hiện đang ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028 để tiếp nối những đóng góp và cam kết. Đồng thời, Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận khi có cách tiếp cận xây dựng trong thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hiệp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước…

Về sự phát triển của Internet tại Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với những cáo buộc phi lý của Freedom House, sau 28 năm kết nối toàn cầu kể từ năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc, theo nền tảng thống kê thị trường Statista, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam có thể lên đến hơn 100 triệu người vào năm 2029. Năm 2024 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai công nghệ viễn thông di động 5G tại Việt Nam qua triển khai đấu giá thành công các băng tần B1 (2.500-2.600 MHz), C2 (3.700 - 3.800 MHz) và C3 (3.800-3.900 MHz) cho các nhà mạng. Theo Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google và Temasek công bố ngày 5/11/2024, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm 2025, tăng 16% so với năm ngoái.

Như vậy, với chiêu bài đưa ra Bản báo cáo phúc trình, chấm điểm thường niên và vu cáo Việt Nam “Không có tự do” của những tổ chức như Freedom House thật sự chỉ là những nhận định sai trái và định kiến về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Việc làm của những tổ chức như Freedom House cũng chỉ là bình phong để che đậy cho những ý đồ xấu của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài thông qua các tổ chức mang danh dân chủ, nhân quyền để tìm cách kích động, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, do đó mỗi người, mỗi nhà cần hết sức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh ngăn chặn kịp thời./.

Bùi Văn Kiên, Phòng Ngoại tuyến và kỹ thuật nghiệp vụ

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 4104364

Trực tuyến: 81

Hôm nay: 3296

Chung nhan Tin Nhiem Mang