Thứ Năm, 21/11/2024

Cảnh giác với thủ đoạn giả mạo, nhân danh lãnh đạo cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng để lừa đảo

Thứ Ba, 15/03/2022

Gần đây trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, xuất hiện một số đối tượng giả mạo tài khoản facebook, zalo, gmail của lãnh đạo, một số cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt: Các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: Giả mạo tài khoản zalo, facebook, gmail của lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành, giám đốc các công ty…để nhờ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký 01 tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, sau đó chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

1

Hình ảnh đối tượng giả mạo lãnh đạo cơ quan nhà nước để nhắn tin lừa đảo qua zalo

Giả danh là người quen, người có mối quan hệ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo: Đặc điểm chung của các đối tượng này giả danh là người quen của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (nhiều sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa bằng công nghệ cao) để tạo niềm tin. Sau đó, hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án…, nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.

Các đối tượng tham gia vào các nhóm facebook, trang fanpage của học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, giả danh nhân viên ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng để lừa đảo: Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách nhắn tin messenger, zalo, viber, gọi điện thoại, gửi tin nhắn SMS, email. Sau đó, hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt thông tin cá nhân; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản do đối tượng cung cấp, rồi chiếm đoạt.        

2

Hình ảnh đối tượng nhắn tin giả mạo ngân hàng để lừa đảo

Giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để lừa đảo qua hình thức chuyển khoản: Đối tượng gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng đến khách hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết…  Sau đó, hướng dẫn khách hàng nhấn vào đường link trong tin nhắn để cung cấp thông tin xác thực. Thực chất đây là đường link giả mạo, lừa đảo để khách hàng tiết lộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo hoặc có người chuyển nhầm và yêu cầu  chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp hoặc truy cập đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, OTP) và chiếm đoạt tài khoản của khách hàng.

Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều người không có việc làm, những thời điểm nhạy cảm, các đối tượng xấu, tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo qua mạng Internet, mạng xã hội, sử dụng hình thức chuyển khoản để lừa đảo, Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị người dân tích cực tố giác tội phạm, cảnh giác trước phương thức thủ đoạn của tội phạm:

– Khi tham gia, sử dụng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, cần chọn lọc những thông tin nào có thể chia sẻ công khai; định kỳ 03 tháng thay đổi mật khẩu các ứng dụng, dịch vụ mạng xã hội của cá nhân, lưu ý đặt mật khẩu gồm chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt. Không cung cấp, công khai thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội, để tránh bị đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo.

– Thường xuyên cập nhật phiên bản mới, các tính năng bảo mật ứng dụng App do các ngân hàng cung cấp, thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking. Tuyệt đối không cung cấp, tiết lộ tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho người khác. Trước khi chuyển tiền cho người khác liên lạc qua các ứng dụng tin nhắn như messenger, zalo, viber, gmail… nên xác nhận bằng cách gọi điện đến người đề nghị chuyển tiền để xác nhận. Không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Không truy cập vào đường link lạ, khác thường có đuôi như .vip, .top, .cc, .bitly, .link, .tip, .apk…

– Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, lực lượng Công an, Tòa án, Viện kiểm sát để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh Ninh Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686526

Trực tuyến: 174

Hôm nay: 2350

Chung nhan Tin Nhiem Mang