DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (sửa đổi)
1. Mục đích sửa đổi Luật phòng chống ma túy
– Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
– Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
– Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
– Mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm am túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong sửa đổi Luật Phòng chống ma túy
– Quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ.
– Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy.
– Tổng kết đầy đủ, toàn diện về công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy hiện nay và trong những năm tiếp theo.
– Đảm bảo phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là 03 Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về ma túy năm 1961, 1971, 1988, các cam kết quốc tế, khu vực và một số công ước quốc tế về quyền con người. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
3. Sự cần thiết xây dựng Luật
3.1 Cơ sở chính trị, pháp lý
– Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế”.
Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đưa ra yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…”
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy. Ngày 16/9/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 295/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đồng chí Phó Thủ tướng giao Bộ Công an “Nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy…” Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về “Tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới”, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy theo hướng đảm đồng bộ, thống nhất, tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đẩy mạnh công tác cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc”. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an “Chủ trì tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy…”
Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 21/12/2019 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp thường kỳ tháng 12/2019, Chính phủ đã thống nhất cơ bản thông qua các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an trình.
Ngày 29/2/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1562/VPCP-PL về việc chỉnh lý dự thảo Đề nghị Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, trong đó Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Nghị quyết số 106/2020/QH14 ngày 10/9/2020 của Quốc hội khóa XIVvề chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chính Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, theo đó dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11 khóa XIV (tháng 3/2021).
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020 tổ chức vào ngày 12/8/2020, Chính phủ đã nhất trí trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
3.2. Cơ sở thưc tiễn
Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nền nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng, nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng; từng bước đổi mới công tác cai nghiện ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy. Những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên do sự phát triển nhanh và đa dang của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, như: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Quy định về công tác cai nghiện còn nhiều bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 còn một số nội dung chưa đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra còn một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra nhưng Luật Phòng chống ma túy hiện hành chưa đáp ứng được. Cụ thể:
Tội phạm ma túy trong nước tổ chức, câu kết với các đối tượng người nước ngoài ngày càng chặt chẽ, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia phần lớn sinh sống ở nước ngoài. Cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống ma túy luôn đứng trước các hiểm nguy, hy sinh, nguy cơ lây nhiễm HIV…nhưng Luật Phòng, chống ma túy hiện hành chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, đây là hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát. Thực tế các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng howpk từ các loại thuốc này. Tính đến nay trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ sản xuất trái phép chất ma túy (trong đó có 1 vụ sản xuất Heroine, 43 vụ sản xuất ma túy tổng hợp), 15 vụ sản xuất ma túy tổng hợp bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược.
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nên trên, việc xây dựng Luật Phòng, chông ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
4. Những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi là nhằm mục đích nâng cao hiệu qủa công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm về ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế.
Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) dựa trên 3 trụ cột: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chính vì vậy trên cơ sở kế thừa các điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung một số nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.
Dự thảo Luật đã bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có, tăng cường nguồn lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy; hợp tác quốc tế. Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều và sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới; bổ sung thêm chương “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV) quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Nội dung các quy định về sửa đổi, bổ sung và quy định mới, cụ thể như sau:
4.1. Chương I – Các quy định chung
Dự thảo Luật đã kế thừa và bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:
a) Phạm vi áp dụng
Mở rộng thêm phạm vi áp dung so với Luật hiện hành: Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
b) Bổ sung đối tượng áp dụng Luật
Đối tượng áp dụng Luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy (Điều 2).
c) Giải thích từ ngữ
– Tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.
– Bổ sung khái niệm: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy” ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sứa khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.
– Bổ sung khái niệm cai nghiện ma túy: Đó là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội và y tế giúp người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi, phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy.
– Bổ sung khái niệm thuốc tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Đây là loại thuốc cần đưa vào hoạt động kiểm soát liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy từ các loại thuốc này.
d) Về chính sách phòng, chống ma túy
Bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
4.2. Chương II – Trách nhiệm phòng, chống ma túy
Dự thảo đã kế thừa các quy định cũ và sửa đổi, bổ sung các nội dung, cụ thể như sau:
a) Trách nhiệm của cá nhân, gia đình
Dự Luật đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với rtooij phạm ma túy.
b) Trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy
– Bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn.
– Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của Luật hiện hành.
4.3. Chương III – Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Về cơ bản nội dung được kế thừa như quy định cũ, trong đó có nội dung được bổ sung như sau:
Bổ sung tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma tuy, tiền chất cần được kiểm soát, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp.
Bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập là những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải kiểm soát.
4.4. Chương IV – Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Đây là chương được quy định mới trong Luật. Xuất phát từ tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này. Các nội dung cụ thể như sau:
a) Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy
– Người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy, việc sử dụng chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện.
– Cơ quan Y tế và Công an có thẩm quyền xét nghiệm.
– Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của họ.
b) Chính sách quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
– Chủ tịch UBND cấp xã giao Công an cấp xã chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục, động viên người sử dụng trái phép chất ma túy tổ chức phân công cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp phối hợp với gia đình giáo dục, động viên người sử dụng trái phép chất ma túy.
– Quy định rõ trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy; gia định, cơ quan, tổ chức có liên quan.
– Nhà nước đảm bảo kinh phí cho xét nghiệm và đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm.
– Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy: 01 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên; 06 tháng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.
c) Thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy
– Quy định Công an cấp xã có trách nhiệm thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quản lý.
– Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện việc thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.
4.5. Chương V – Cai nghiện ma túy
Nội dung của Chương V được sửa đổi cơ bản và toàn diện, khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện thời gian qua, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả, cụ thể như sau :
– Quy định về xác định tình trạng nghiện, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện.
– Về chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế ; nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở công lập, hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện. Có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để góp phần bảo vệ cho cán bộ, đồng thời có cơ sở để xử lý các hành vi chống đối người thi hành công vụ trong các cơ sở cai nghiện công lập.
– Quy định về hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân được tổ chức hoạt động cai nghiện tự nguyện. Chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới tiếp nhận người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại các cơ sở có bố trí các khu riêng phù hợp với từng đối tượng và để đảm bảo quyền lợi cho người cai nghiện.
– Sửa đổi các quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Theo đó việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy; niêm yết công khai giá dịch vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật. Việc đổi mới công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo mô hình này không làm phát sinh tổ chức bộ máy mới và ngân sách nhà nước.
Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn quản lý.
– Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 06 tháng.
– Quy định cụ thể các trưởng hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
Người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định do TAND cấp huyện trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính. Cơ sở cai nghiện đảm bảo quyền được học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Có chế độ cai nghiện riêng, phù hợp và đảm bảo quyền trẻ em cho độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
– Bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Theo đó tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì trục xuất về nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy thì phải đến cơ quan chuyên môn xác định tình trạng nghiện, nếu có kết quả xác định là nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.
– Không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả.
– Người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị Tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Bổ sung quy định về công tác thống kê người nghiện ma túy cho các Bộ, ngành, trong đó Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện. Đảm bảo công tác thống kê về người nghiện được chính xác, kịp thời.
4.6. Chương VI – Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy
Về cơ bản nội dung chương này kế thừa các quy định cũ ; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các Bộ cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật, cụ thể như sau :
– Bổ sung trách nhiệm cho Bộ Công an về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển. Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc và dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Quy định trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho phù hợp với các nội dung về công tác cai nghiện ma túy được sửa đổi.
– Phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy :
+ Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì phối hớp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống ma túy.
+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; chỉ đạo, trực tiếp tổ chức quản lý, kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, dịch vụ, thể thao và du lịch không để sơ hở làm phát sinh tệ nạn ma túy.
4.7. Chương VII – Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy
Các quy định về Hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy được kế thừa quy định cũ. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, chính sách. Trong đó có sửa đổi quy định về các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.
4.8. Chương VIII – Điều khoản thi hành
Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong Luật.
-
Bổ sung quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy
Thứ Sáu, 15/11/2024
-
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
Thứ Ba, 12/11/2024
-
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài
Thứ Ba, 12/11/2024
-
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy
Thứ Sáu, 08/11/2024
-
Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu
Thứ Sáu, 08/11/2024
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Thứ Tư, 06/11/2024
-
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kiến thức về công tác xuất nhập cảnh cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Thứ Ba, 05/11/2024
-
Một số nội dung quan trọng của Luật số số 42/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV quy định về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Thứ Ba, 05/11/2024
-
Công an tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024
Thứ Hai, 04/11/2024
-
Công an huyện Yên Mô tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cho đội ngũ chủ doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn
Thứ Hai, 04/11/2024