Thứ Năm, 21/11/2024

Sửa đổi Luật Căn cước công dân và thay đổi một số thuật ngữ là cần thiết, bảo đảm phục vụ tốt nhất yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Thứ Ba, 10/10/2023

Vừa qua, Bộ Công an đã chủ trì với các ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ có Tờ trình Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), trong đó có chỉnh lý tên gọi từ “Luật Căn cước công dân” thành “Luật Căn cước” và một số thuật ngữ khác trong dự thảo Luật, điều đó là cần thiết, góp phần phục vụ tốt nhất các yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bởi: 

Thứ nhất, thực tiễn hiện nay ở nước ta, theo quy định của pháp luật đang có rất nhiều loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng không gắn từ “Công dân” vào phía sau như hộ chiếu, bảo hiểm… do đó việc chỉnh lý thuật ngữ này cũng là chuyện bình thường, hợp lý, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ hai, sự chỉnh lý này nhằm phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới, bởi một số quốc gia trên thế giới cũng có cách gọi tên ngắn gọn là căn cước mà không cần thêm từ công dân; cùng với đó sự điều chỉnh này còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam trong công tác quản lý dân cư, mở rộng đối tượng cho các trường hợp “Công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch..”…

Lực lượng Công an Ninh Bình làm Căn cước cho nhân dân trên địa bàn

Thứ ba, việc thay đổi tên gọi này là bình thường, không gây ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị hay mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Từ “Thẻ căn cước” không có hàm ý khu biệt mà mang tính rộng mở, phù hợp với thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Việc thay đổi tên gọi đơn thuần là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế theo hướng tiết kiệm, ngắn gọn, phù hợp với bối cảnh, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra..

Thứ tư, tính năng ưu việt của thẻ Căn cước mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn so với Căn cước công dân mã vạch trước đây, nên khi người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ Căn cước công dân gắn chip… 

Thứ năm, theo quy định hiện nay thì “Chip điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được gắn ở mặt sau thẻ Căn cước công dân” (điểm d, khoản 3, Điều 3 Thông tư số 06/2021/TT-BCA ngày 23/1/2021 của Bộ Công an) và Chip điện tử gắn vào thẻ căn cước không theo dõi được công dân vì không có chức năng định vị. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn do Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện. 

Thứ sáu, trong dự thảo Luật đã nêu rất rõ Căn cước công dân được cấp trước ngày dự thảo Luật Căn cước mới có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ… không phải là “Luật Căn cước mới có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước” như một số thông tin bịa đặt, vô căn cứ, xuyên tạc trên mạng xã hội…

Do đó, các tầng lớp nhân dân cần nghiên cứu, nắm rõ những tác dụng quan trọng của Luật Căn cước công dân sửa đổi và một số thuật ngữ thay đổi trong dự thảo Luật, đồng thời tích cực, nỗ lực phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng trong thực hiện công tác trên, để góp phần tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta, phục vụ cho yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân, đồng thời phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước../.

Nguyễn Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686999

Trực tuyến: 70

Hôm nay: 2823

Chung nhan Tin Nhiem Mang