Thứ Năm, 24/04/2025

Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

Sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự – Yêu cầu tất yếu từ thực tiễn

Thứ Hai, 21/04/2025

Sau 07 năm triển khai thi hành, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của tình hình kinh tế - xã hội, yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước, tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu lực quản lý, Luật hiện hành đang bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp, phát sinh những vấn đề mới cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác điều tra hình sự. Do vậy, việc ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) là cần thiết. Dự thảo Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV năm 2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự – Yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.
Sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự – Yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.

 

Ngày 26/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Sau 07 năm triển khai thi hành Luật, tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục đi vào ổn định và hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, thuận lợi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, theo đó, tổ chức bộ máy của Công an nhân dân đã có các thay đổi như: không tổ chức Công an cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị trong từng cấp công an… Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại nhất định và phát sinh những vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục, giải quyết và nâng cao hiệu quả của công tác điều tra hình sự trên thực tế.

Cơ sở chính trị, pháp lý

- Ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Tiếp tục nghiên cứu, từng bước sắp xếp thu gọn đầu mối cơ quan điều tra đáp ứng yêu cầu công tác điều tra hình sự, phòng, chống tội phạm và phù hợp với tổ chức, hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp”; Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thông qua chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”, không tổ chức công an cấp huyện.

- Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó xác định nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 có nội dung chỉ đạo: “Đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Xác định rõ hơn cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp”.

- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự, trong đó cần “Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao”.

- Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

- Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội khoá XV quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó quy định cơ quan, người có thẩm quyền phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Cơ sở thực tiễn    

- Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tổ chức chỉ đạo, triển khai các chính sách trên trong công tác tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Công an đơn vị, địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Ngày 18/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, theo đó, đã có sự thay đổi về tổ chức của Bộ Công an, dẫn đến sự thay đổi về tổ chức của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân so với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành. Trong đó, Công an các địa phương tổ chức theo hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, được tổ chức, xây dựng theo mô hình Công an địa phương gồm 02 cấp (Công an tỉnh, Công an xã và không tổ chức Công an cấp huyện). Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân cũng được tổ chức theo mô hình gồm 02 cấp (Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) và không tổ chức Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

- Ngày 24/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, theo đó Tổng cục Hải quan được tổ chức thành Cục Hải quan và sắp xếp, cơ cấu lại các Cục Hải quan khu vực thành các Chi cục Hải quan khu vực; các Chi cục Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu trực thuộc Chi cục Hải quan khu vực là tổ chức tương đương cấp đội.

- Ngày 22/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó đã quy định: Cục Kiểm lâm là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Tổng cục Lâm nghiệp; Cục Kiểm ngư là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Tổng cục Thủy sản. Tiếp đó, ngày 25/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau khi cấp có thẩm quyền thực hiện chủ trương hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Theo đó, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm; Cục Thủy sản và Kiểm ngư là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Vì vậy, tổ chức và tên gọi của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan, Kiểm lâm và Kiểm ngư có sự thay đổi so với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành.

Trên cơ sở báo cáo của tổng kết thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự của các bộ, ngành thì từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến tháng 3/2025: Lực lượng Hải quan đã tiến hành điều tra, khởi tố 302 vụ (Tội Buôn lậu (179 vụ); Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (98 vụ); Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (25 vụ)) và sau khi khởi tố hình sự đối với các vụ án trên, cơ quan Hải quan đã chuyển toàn bộ hồ sơ các vụ án trên cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Kiểm ngư hiện chưa phát hiện, xử lý vụ việc nào hành vi có dấu hiệu tội phạm. Đồng thời, đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra trong lĩnh vực Lâm nghiệp thì lực lượng Kiểm lâm sau khi khởi tố chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền. Như vậy, qua thực tiễn thời gian qua cho thấy các cơ quan Hải quan, Kiểm ngư, Kiểm lâm hầu như không thực hiện thẩm quyền thụ lý điều tra giải quyết toàn bộ vụ án trong vòng 01 tháng, mà chủ yếu tiến hành điều tra ban đầu và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Ngoài ra, Cơ quan Kiểm ngư hoạt động trên biển, trong khi trụ sở của các cơ quan này lại đóng ở đất liền, không quá xa các cơ quan điều tra. Do vậy, trường hợp các cơ quan này trong lúc làm nhiệm vụ mà phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chỉ cần tiến hành hoạt động điều tra ban đầu trong vòng 07 ngày, sau đó cần phải chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã có quy định về trường hợp người chỉ huy máy bay, tàu biển khi bắt giữ người thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên nơi tàu trở về. Việc giao các cơ quan này tiến hành hoạt động điều tra trong vòng 01 tháng cho đến khi kết thúc điều tra là chưa phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư có trụ sở trên đất liền, đóng không xa các cơ quan điều tra. Do vậy, không nhất thiết cần giao thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra trong vòng 01 tháng cho đến khi kết thúc điều tra. Bên cạnh đó, năng lực của cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan này khó đáp ứng đủ yêu cầu của việc điều tra trọn vẹn một vụ án từ khi khởi tố đến lúc chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố.

- Hiện nay, hệ thống Cơ quan điều tra còn cồng kềnh, chồng chéo, việc tổ chức Cơ quan điều tra ở nhiều bộ, ngành (Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) tạo ra nhiều đầu mối trong hệ thống Cơ quan điều tra. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cần thiết phải rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối của cơ quan điều tra bảo đảm tinh, gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với đó, qua thực tế thi hành các nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, một số thẩm quyền trong thực hiện các hoạt động tố tụng còn hạn chế và một số quy định còn chưa phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự gây ra những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trên thực tế.

Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan, để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác điều tra hình sự trong thời gian tới.

Quá trình xây dựng dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)

Để triển khai đúng mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật này, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Xây dựng hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Công an đã nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Ngày 09/4/2025, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 125/BCTĐ-BTP về việc thẩm định đối với Hồ sơ dự án Luật. Ngày 10/4/2025, Bộ Công an đã có Báo cáo số 925/BC-BCA tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Ngày 10/4/2025, Bộ Công an có Tờ trình số 162/TTr-BCA trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến về Hồ sơ dự án Luật.

Mới đây, ngày 13/4/2025, Chính phủ đã tổ chức Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025 cho ý kiến về dự án Luật; trong đó, thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) và giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật.

Cổng TTĐT Bộ Công an
Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 4207684

Trực tuyến: 68

Hôm nay: 2408

Chung nhan Tin Nhiem Mang