Thứ Năm, 21/11/2024

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc “Việt Nam không có tự do báo chí”!

Thứ Sáu, 16/06/2023

Với mục tiêu kích động, tạo cái nhìn thiếu thiện cảm của thế giới với nền báo chí cách mạng Việt Nam và xuyên tạc vai trò, trách nhiệm của báo chí nước nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng chiêu trò “Việt Nam không có tự do báo chí” để vu vạ, nói xấu Đảng, Nhà nước, cổ xúy cho tư tưởng “Tự do báo chí” theo ý đồ, mục đích cá nhân của họ…

Với chiêu bài “Bảo vệ nhà báo”, “Đấu tranh đòi lại quyền tự do báo chí” hay “Việt Nam không có tự do báo chí” … bên cạnh việc cổ xúy cho một số trường hợp phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị xử lý, họ cho rằng “ Báo chí đang bị kìm kẹp”, “ Bị xử lý vì bất đồng chính kiến”…để chống phá Đảng, Nhà nước và kêu gọi cho phép báo chí tư nhân..

Thực tế trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tự do báo chí ở Việt Nam. Đó là những sự thật không thể phủ nhận, quyền tự do báo chí cũng đã được quy định rất rõ ràng tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 

Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do báo chí

Bên cạnh đó, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng và rất nhiều văn bản liên quan khác cũng đã được xây dựng, nghiên cứu, hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho tổ chức, công dân. 

Tuy vậy, cũng như ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tự do báo chí phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, Luật Báo chí 2016 quy định: “…Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13); “…Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật..” (Điều 9)…

Thực tiễn cũng đã chứng minh, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, quyền tự do báo chí luôn được bảo đảm. Tính đến hết năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn của thế giới. Bên cạnh đó, các loại hình báo chí xuất hiện ngày càng đa dạng, phong phú, luôn chú trọng thay đổi nội dung, hình thức, cải tiến cách tiếp cận, khai thác và truyền tải thông tin để mang lại lợi ích tối đa cho người dân. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng cũng được mở rộng. Mô hình truyền thông đa chiều cũng đã tạo cơ hội để người dân được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội quan tâm như: Các Dự thảo Luật; vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu; chống tham nhũng, tiêu cực...

Như vậy, Việt Nam đã có những quan điểm rõ ràng, có hành lang pháp lý thuận lợi và thực tế báo chí Việt Nam cũng được tổ chức hoạt động, tác nghiệp để có thể phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc xuyên tạc, kích động vấn đề tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước, cổ xúy cho những mục đích sâu xa, đen tối rõ ràng là những luận điệu cần được nhận diện, đấu tranh kịp thời./.

Lương Trang

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686705

Trực tuyến: 176

Hôm nay: 2529

Chung nhan Tin Nhiem Mang