Thứ Năm, 03/10/2024

Đấu tranh, ngăn chặn luận điệu chống phá việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Năm, 05/05/2022

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội xem xét, ban hành, thời gian qua, Bộ Công an đã tích cực tổ chức lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật.

1-luc-luong-canh-sat-giao-thong-cong-an-tinh-tham-gia-le-ra-quan-bao-dam-an-ninh-trat-tu-tren-dia-ban

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tham gia Lễ ra quân bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn

Có thể khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần phải được kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, bởi: 

Một là: Hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước; là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ban hành đến nay đã nhiều năm nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, trong khi tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) thời gian qua đã có nhiều thay đổi.

Hai là: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện điều chỉnh đồng thời 2 lĩnh vực khác nhau là Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Đây là hai lĩnh vực có phạm vi lớn, có các nội dung khác biệt nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một Luật nên không thể quy định một cách đầy đủ, rõ ràng, không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra để phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ.

Ba là: Thực tế hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; các vi phạm về TTATGT còn diễn ra phổ biến, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm nước ta có gần 9000 người tử vong, 30.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Thế nhưng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại không quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, thậm chí là gây chồng chéo giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật.

Bốn là: Trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến phức tạp, nhất là các tội phạm về gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, vận chuyển hàng giả, hàng lậu… ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặt ra yêu cầu cần có hành lang pháp lý để cơ quan thực thi pháp luật có cơ sở xử lý, tránh bỏ sót, lọt tội phạm.

2-luc-luong-canh-sat-giao-thong-kiem-tra-cac-phuong-tien-vi-pham-quy-dinh-ve-tai-trong

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra các phương tiện vi phạm quy định về tải trọng

Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; bảo vệ quyền con người; bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, đã xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, việc Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì, soạn thảo, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề nêu trên, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; đáp ứng yêu cầu bảo đảm tốt ANTT và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, mọi quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội, cần phải được kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn./.

Lương Trang

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3567449

Trực tuyến: 32

Hôm nay: 2329

Chung nhan Tin Nhiem Mang