Thứ Năm, 03/10/2024

Đấu tranh phòng, chống lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

Thứ Tư, 08/06/2022

Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, trong thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, hình thức thể hiện của tự do ngôn luận đã có sự thay đổi mạnh mẽ, Internet và mạng xã hội trở thành công cụ phổ biến để mỗi người bày tỏ quan điểm, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ngôn luận, vẫn có những tổ chức, cá nhân, đối tượng phản động, đối tượng thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng để tuyên truyền thông tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn.

luc-luong-chuc-nang-xu-ly-doi-tuong-co-hanh-vi-cung-cap-chia-se-thong-tin-kich-dong-bao-luc-1Lực lượng chức năng xử lý đối tượng có hành vi đăng tải thông tin kích động bạo lực

Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh bùng nổ của internet, thông qua các trang mạng xã hội, người dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải các thông tin mà không bị ngăn cấm hoặc hạn chế. Từ những điều này đã tiềm ẩn những nguy cơ khi quyền tự do ngôn luận bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin trên không gian mạng có quan điểm sai trái, thù địch, có thái độ cực đoan, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngày 24/3/2022, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự đối với Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam Bình Dương, do đã có những thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, trái với thuần phong mĩ tục, thì một số người dùng mạng xã hội đã bày tỏ quan điểm, chia sẻ thông tin sai lệch để ủng hộ hành vi vi phạm của bị can Nguyễn Phương Hằng, xuyên tạc Nhà nước đang xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, kích động tập trung đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khi Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang tích cực, nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước gây hoang mang dư luận xã hội. Chúng ngụy tạo bức tranh sai lệch về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, phát tán tin giả, dựng chuyện về số người mắc bệnh, số ca tử vong và tốc độ lây lan dịch bệnh không đúng với sự thật đã tạo tâm lý lo lắng, bất an cho cộng đồng, cản trở công tác phòng, chống dịch của Nhà nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tự do ngôn luận là quyền con người cơ bản, nhưng luôn phải có giới hạn và phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định:“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Như vậy về mặt pháp luật, Đảng, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người.

Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng có những quy định để ngăn chặn những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều quy định rõ những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Do vậy, mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm khi tham gia môi trường mạng, đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các luận điệu sai trái, thông tin xấu độc và tích cực chia sẻ, lan tỏa các thông tin lành mạnh, góp phần xây dựng môi trường mạng văn hóa, văn minh, an toàn, đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và xã hội./.

Lương Trang

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3567354

Trực tuyến: 43

Hôm nay: 2234

Chung nhan Tin Nhiem Mang