Thứ Năm, 21/11/2024

Luận điệu xuyên tạc ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Hội nghị Trung ương 7, khoá XIII

Thứ Ba, 11/07/2023

Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ) của Đảng ta đã thành công tốt đẹp, hoàn thành tốt các nội dung, yêu cầu đề ra, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao... 

Tuy nhiên, với bản chất chống phá, kích động, xuyên tạc, một số đối tượng chống đối, phản động, số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn “tranh thủ” mạng xã hội để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung xuyên tạc, suy diễn, đồn đoán cá nhân… về những kết quả cũng như thành công của hội nghị bằng những bài viết như “Đằng sau những con số- Hội nghị “giữa nhiệm kỳ” không nói được điều gì”, hoặc “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ”… nhằm chống đối Đảng và hạ thấp uy tín, danh dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…

Có thể khẳng định, đó là những luận điệu xuyên tạc, những đồn đoán có tính chất chống đối, phá hoại, bởi:

Thứ nhất, có thể khẳng định rằng: Kết quả đạt được của Hội nghị Trung ương 7 nói lên được rất nhiều điều, chứ không phải “Không nói được điều gì” như số đối tượng chống đối đã đồn đoán. Bởi hội nghị Trung ương lần này không chỉ là dịp để Trung ương nhìn lại, đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện tình hình thế giới và trong nước, những thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mà còn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời chủ động dự báo tình hình với những thời cơ, thuận lợi, những khó khăn, thách thức mới để đề ra những chủ trương, quyết sách lớn nhằm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7, khoá XIII

Những nội dung quan trọng của Hội nghị; trong đó có việc đánh giá một cách khách quan và toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII và một số vấn đề quan trọng khác… đã được hoàn thành trên tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Dù không thông tin chi tiết, song các nội dung của Hội nghị và Thông cáo báo chí đều được đăng tải trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Vì thế, kết quả của Hội nghị Trung ương 7 thực sự có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, những luận điệu suy diễn, đồn đoán vô căn cứ…về kết quả Hội nghị Trung ương 7 thực chất chỉ là những lời lẽ xuyên tạc, kích động, phá hoại…

Thứ hai, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam rằng “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” từ Đại hội XIII của Đảng cho đến tại Hội nghị Trung ương 7 không chỉ khẳng định tình hình quốc tế và trong nước, những thành tựu đạt được và vị thế của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn cho thấy niềm tin, sự kiên định của Tổng Bí thư về sự phát triển của đất nước trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của tình hình thế giới hậu đại dịch Covid-19, chứ không phải như sự quy chụp của một số đối tượng rằng “Với mặc định trên, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là một đại biểu trung thành của chủ nghĩa bảo thủ đặc trưng của người cộng sản” …

Thực tế cho thấy, cái gọi là “Cơ đồ – tiềm lực”- vị thế và uy tín của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới không chỉ phụ thuộc vào một việc “nhìn từ sức khỏe doanh nghiệp”, lại càng không phải là đưa ra một con số “các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước?” để lập lờ quy kết rằng “Có phải vì thiếu động lực cạnh tranh đảng phái chính trị?”, mà đó phải là kết quả tổng thể đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của một quốc gia.

Thực tế cho thấy, tình hình kinh tế thế giới thời kỳ sau đại dịch Covid-19, nhất là trong năm 2023 vẫn “không chắc chắn khi bị ảnh hưởng bởi tốc độ và trình tự thắt chặt chính sách tiền tệ, diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraina” và những căng thẳng địa chính trị khác đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Suy thoái diễn ra trên diện rộng ở các nước phát triển, đang phát triển và tăng trưởng thương mại chậm lại trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục suy yếu, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm và xung đột kéo dài ở Ukraina. Trong khi đó, thị trường lao động toàn cầu năm 2023 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch và IMF nhận định rằng “lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 của 84% các quốc gia sẽ thấp hơn so với năm 2022”… Ngay cả với Mỹ thì “tăng trưởng kinh tế dự kiến cũng sẽ thấp hơn tiềm năng trong cả năm 2023 và 2024 do chính sách tiền tệ làm giảm nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng theo quý dự kiến sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện dần trong năm 2024” và với Nhật Bản, thì “OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022”…Từ những thông tin đó, có thể thấy rằng, cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam cũng không ngoại lệ, cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức trong việc phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Cho nên, việc một số người dẫn ra thông tin về việc rút lui của các doanh nghiệp khỏi thị trường Việt Nam; viện dẫn những nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay từ việc Chính phủ quyết định tăng học phí đại học công lập để “tập trung ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục tại khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo”…, để quy chụp “diễn biến về ngân sách đầu tư vào giáo dục ở bậc đại học trong suốt 3 nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng yếu kém rất rõ”; đồng thời nghi ngờ vào lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vị thế, tiềm lực của đất nước tại Hội nghị Trung ương 7 trong bài viết “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ” thì thật là phiến diện và không tôn trọng sự thật khách quan…

Có thể khẳng định hội nghị Trung ương 7, khoá XIII đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Vị thế, cơ đồ và tiềm lực của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển; được khẳng định trong khu vực và trên trường quốc tế đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, bất chấp sự suy diễn, xuyên tạc của các đối tượng chống đối, phá hoại. Dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức phải đối diện, nhưng tương lai tươi sáng của đất nước là không thể phủ nhận, do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần chú ý nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc, phá hoại, chú ý tiếp cận với những thông tin khách quan, chính thống; lên án, đấu tranh mạnh mẽ với những quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời tích cực đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng văn minh, giàu mạnh./.

Nguyễn Bình

Các tin khác
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số: 3686688

Trực tuyến: 173

Hôm nay: 2512

Chung nhan Tin Nhiem Mang