Phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
1. Báo chí Việt Nam và những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Cách đây 98 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta.
Báo Thanh Niên số ra ngày 3/10/1925
Kể từ khi tờ Thanh niên ra đời, đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng và 2 tổ chức Cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị đã thông qua một nghị quyết về báo chí. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, báo chí đã thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến bộ, ngày 13/5/1959
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, báo chí cách mạng tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược. Những bản tin, bài viết, những bức ảnh, phóng sự thu thanh từ các chiến trường trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… thực sự là nguồn động viên to lớn và đồng thời cũng là lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc. Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước đứng lên cùng ra trận. Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những người làm báo đã ra trận với tư thế hiên ngang của người chiến sĩ – chí sĩ cách mạng, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, tạo nên những tác phẩm báo chí giàu sức sống, gắn kết triệu người trên cả nước, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.
Lực lượng phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp
giữa tâm dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bước sang thời kỳ đất nước đổi mới và tiến trình hội nhập quốc tế, đây là giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, là diễn đàn của nhân dân, kiên định với lập trường tư tưởng chính trị, kịp thời phê phán, đấu tranh với những điều lạc hậu, cản trở đổi mới, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những thói hư tật xấu trong xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, góp phần làm nên những thành tựu to lớn. Đồng thời, báo chí cách mạng là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới.
Chúng ta hiện có một hệ thống báo chí khá toàn diện với một đội ngũ những người làm báo hùng hậu. Theo số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện nay, Việt Nam hiện có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí. Trong đó, hiện có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Trong 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực này có 15 cơ quan báo chí gồm 11 báo, 03 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC được giữ nguyên về số lượng, đầu tư để phát triển mạnh theo hướng dẫn dắt, định hướng.
Ngoài 6 cơ quan chủ lực, nước ta hiện có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Về nhân sự, hiện tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là khoảng 41.000 người, trong đó báo in và điện tử hơn 24.000 người, khối phát thanh truyền hình khoảng 16.500 người. Các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương có báo hoặc tạp chí; mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp… đều có tờ báo, tạp chí chuyên biệt dành cho họ. Nhiều tờ báo đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo… xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe – nhìn – đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng.
Ra đời từ trong khói lửa của 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những thế hệ làm báo đã cống hiến công sức làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là việc luôn xác định “làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân”, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tiến trình cách mạng Việt Nam, luôn nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn xuất hiện trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Hàng trăm nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên đã hy sinh với tư thế người chiến sĩ trên mặt trận. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy; xứng đáng là những chiến sỹ cách mạng tiên phong, “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, kiên trung trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là cơ bản, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế như: một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng việc nêu gương, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, sa đà vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu nhân văn, phản giáo dục; một bộ phận người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm; một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng “báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử” vẫn còn, làm vẩn đục môi trường thông tin, gây nhiều tác hại đối với xã hội; cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn của báo chí, truyền thông hiện đại.
2. Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng báo chí để thực hiện các hoạt động chống phá
Trong thời đại công nghệ truyền thông hiện nay, hoạt động của các cơ quan báo chí chuyển dần sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Bên cạnh đó, báo chí công nghệ và xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới tiếp tục là những xu hướng công nghệ làm báo được tăng cường thực hiện trong thời gian tới. Báo chí di động đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí. Việc nghe, đọc, xem báo chí trực tuyến dịch chuyển từ thụ động sang chủ động, hình thành xu hướng cung cấp, lan tỏa, kết nối thông tin dựa trên công nghệ, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động báo chí, kéo theo sự sụt giảm của báo in. Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quy trình sản xuất và truyền tải sản phẩm báo chí, truyền thông. Xu hướng cung cấp nội dung báo chí được thực hiện thông qua nhiều hình thức và công nghệ mới, thông qua kết nối internet và kết nối mạng 4G, 5G trên các thiết bị di động...
Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội luôn lợi dụng mạng xã hội
làm công cụ để đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm sai trái, xuyên tạc
Với sự bùng nổ của mạng xã hội, tin giả lan tràn, báo chí luôn phải đối mặt với nguy cơ bị mạng xã hội chi phối và lấn át, nhất là thông tin về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Đây cũng là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội lợi dụng để triệt để thực hiện các hành vi xuyên tạc, chống phá với mục đích nhằm loại bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Chúng công kích những bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin; tập trung vào những nguyên lý cơ bản và những luận điểm lý luận then chốt; xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc sự thật, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên… Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị thường xuyên xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; triệt để lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của ta trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để chống phá...
Một trong những biện pháp mà các thế lực thù địch thực hiện là chúng trực tiếp tấn công vào nền báo chí cách mạng nước ta, với chiêu bài lợi dụng vấn đề tự do báo chí trên không gian mạng. Đặc biệt, chúng còn đưa ra những luận điểm quy kết, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí thông qua cái gọi là “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên” và luôn xếp báo chí Việt Nam luôn ở những vị trí cuối bảng. Bên cạnh đó, chúng xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam quản lý báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “ràng buộc”, “hà khắc”... Từ việc xuyên tạc sự nghiệp lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về báo chí, nhiều tổ chức và trang mạng xã hội phản động kêu gọi đòi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, thay đổi chính sách với những luận điệu xảo trá.
“Việt Tân” tăng cường các bài viết xuyên tạc, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí
Không những vậy, một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam như: BBC, RFI, RFA, VOA… và các hội nhóm, các cá nhân phản động trên không gian mạng và các ứng dụng như YouTube, Facebook, Twitter… mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến báo chí lại suy diễn, xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật tình hình trong nước. Với sự cổ xúy, giúp sức của các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước đã tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhằm cổ xúy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự” theo mưu đồ của chúng nhằm đối trọng với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý phải kể đến như: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”; các trang phản động, như: Người Việt Online, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”… Trung bình 1 tháng, chúng phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.
Có thể khẳng định, thông tin sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí như tiêm nhiễm chất độc vào nhận thức, thái độ, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của nhiều người. Một bộ phận người dân hoài nghi, bi quan về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí nói riêng. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật khách quan có thể gây chia rẽ, ly gián lòng người, làm phân tâm trong các giai tầng xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Nguy hại hơn, các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam còn tạo ra cái nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về vấn đề nhân quyền và trình độ phát triển xã hội Việt Nam hiện nay.
3. Báo chí và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
“Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội,
chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” - Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định
Trong bất cứ giai đoạn nào, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nêu bật những thành quả của đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Báo chí luôn đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh với dòng chủ lưu là thông tin tích cực. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác báo chí không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy tốt sứ mệnh người làm báo; kiên quyết chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ””. Như vậy, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch có vai trò quan trọng đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có vai trò chủ công, tiên phong của các cơ quan báo chí.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ, đồng thời, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước, trong chặng đường 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn khẳng định vai trò tiên phong, xung kích, là vũ khí cách mạng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mặt trận chính trị, tư tưởng – văn hóa, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng hành cùng dân tộc, phụng sự công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thời gian qua, báo chí nước ta đã thể hiện rõ vai trò xung kích trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều tờ báo đấu tranh kịp thời, sắc bén, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ và sự lãnh đạo của Đảng. Báo chí đã phổ biến, tuyên truyền kịp thời, rộng rãi chủ trương, quan điểm chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng và công tác xây dựng Đảng, gắn với nhận diện và đấu tranh phòng, chống sự suy thoái, tham nhũng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời, tuyên truyền, truyền bá các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam, những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” của Báo Công an nhân dân online và Chuyên mục “Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” của Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Ninh Bình
Nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đã mở chuyên trang, chuyên mục đăng tải các bài viết trực tiếp, trực diện đấu tranh phản bác đối với các quan điểm sai trái, thù địch. Điển hình như chuyên mục: “Chính trị - Xây dựng Đảng” của Tạp chí Cộng sản; “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”” của Báo Quân đội nhân dân; “Bình luận - phê phán” của Tạp chí Quốc phòng toàn dân; “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; “Chống diễn biến hòa bình” của Báo Công an nhân dân… liên tục có những bài đấu tranh chất lượng, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tốt, tích cực. Các cơ quan báo chí đã thường xuyên trao đổi và phối hợp hiệu quả trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, chú ý đến định hướng giáo dục, định hướng đấu tranh và tổ chức lực lượng mang tính chuyên trách; truyền tải thông tin qua nhiều báo để tuyên truyền, tương tác với công chúng, qua đó nâng cao hiệu quả đấu tranh.
Nhiều cơ quan báo chí đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, người có uy tín tham gia tọa đàm, hội thảo, viết bài phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Một số cơ quan báo chí tổ chức tốt các diễn đàn trực tuyến, thông qua đó tác động định hướng chính trị tư tưởng và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về các chủ đề “nóng”, các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin xấu, độc hại và những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Nhiều cơ quan báo chí đã phát huy hiệu quả hoạt động của công nghệ 4.0 và sử dụng các trang, nhóm, blog, kênh Youtube, tài khoản mạng xã hội… để kịp thời, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin xấu, độc. Việc ngăn chặn, giám sát, triệt phá các thông tin xấu, độc từ các báo, đài, các kênh báo mạng trong và ngoài nước được lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí nước ta quan tâm đẩy mạnh, xử phạt nghiêm các vi phạm trong hoạt động báo chí.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng vai trò, tiên phong quan trọng, thực sự là “vũ khí sắc bén” trong lĩnh vực này, là diễn đàn tin cậy của quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, tình yêu quê hương, đất nước, củng cố lòng tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng của các tầng lớp nhân dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh các kết quả đạt được, sự đóng góp của báo chí vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tri thức lý luận chính trị của một bộ phận đội ngũ báo chí chưa thực sự sâu sắc, nhận thức về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này là một số cơ quan đại chúng chưa có chính sách bồi dưỡng lý luận chính trị thường xuyên, liên tục, hợp lý cho nhà báo, phóng viên; một số nhà báo, phóng viên còn ngại, lười học chính trị. Do đó, nhận thức về bảo vệ nền tảng của Đảng chưa toàn diện, coi “bút chiến” là chính mà chưa chú trọng đến tuyên truyền cái hay, cái đẹp để chứng minh điều ngược lại. Nhiều bài viết chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, tuyên truyền, từ đó cách viết, ngôn từ sử dụng chưa thực sự phù hợp.
Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỹ thuật số và không gian mạng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng trở nên cấp bách và gặp nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước sẽ gia tăng thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc các quan điểm sai sự thật, tuyên truyền các thông tin xấu độc với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, việc nhận diện, phản bác, đấu tranh chống thông tin sai lệch, xuyên tạc đòi hỏi đội ngũ thực hiện công tác báo chí - với tư cách chủ thể thực thi trách nhiệm đưa tin, khởi tạo, định hướng dư luận tại cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân - phải nhập cuộc một cách tích cực hơn để nhận diện sự thật, lẽ phải, kịp thời và kiên quyết đấu tranh, phản bác mạnh mẽ, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam cũng như đội ngũ nhà báo cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phóng, là “vũ khí sắc bén” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo đó, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thông tin tốt và tích cực, làm cho những nội dung thông tin này thực sự là chủ đạo, chi phối đời sống tinh thần - thông tin xã hội, từng bước đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại, tiêu cực, các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục định kỳ, các tuyến bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; liên kết thông tin với các nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới một cách phù hợp. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12/5/2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông”, trong đó, các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tờ báo, tạp chí lớn của Đảng và Nhà nước cần “chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính”. Muốn làm được như vậy, các cơ quan báo chí cần nắm chắc tình hình, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời, khách quan các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội.
Hai là, hệ thống các cơ quan báo chí cần tổ chức lực lượng trực tiếp đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, các thông tin xấu, độc hại bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần giữ vững trận địa tư tưởng. Tổ chức, củng cố và phát huy tốt vai trò của các lực lượng trực tiếp viết bài đấu tranh, đội ngũ cộng tác viên đủ mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực đấu tranh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế. xây dựng, rèn luyện đội ngũ nhà báo và các cơ quan báo chí thực sự vững mạnh. Nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà báo đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan báo chí phải tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, người làm báo có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thực sự chuyên tâm “rèn bút, luyện nghề” với tâm thế “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí; có kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quản lý nhà nước và pháp luật cần thiết; có đủ trình độ đấu tranh… là những yêu cầu cơ bản về năng lực, cần được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ thực hiện công tác báo chí. Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lập trường kiên định, vững vàng cho đội ngũ thực hiện công tác báo chí, nâng cao “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch và trước mọi sự công kích, lôi kéo, mua chuộc. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích và bảo vệ lực lượng này trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan báo chí quan trọng hàng đầu của Việt Nam phát huy tốt hơn nữa vai trò “chủ lực, chủ công” trong việc xây dựng nội dung chuyên sâu và các hình thức tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân… là những cơ quan báo chí chủ lực, có nhiệm vụ xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài đấu tranh trọng điểm nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Cùng với đó, chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại để phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phân công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương,
Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo
Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các nhà báo và các cơ quan báo chí; xây dựng các cơ quan báo chí thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Quan tâm xây dựng các cơ quan báo chí đủ mạnh, nhất là đối với các cơ quan báo chí chủ lực, chuyên sâu về lý luận chính trị. Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan báo chí phù hợp, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng xây dựng một số cơ quan báo chí đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội và đối ngoại.Quan tâm xây dựng các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí thật sự trong sạch, vững mạnh; khắc phục, chấn chỉnh nghiêm túc những biểu hiện “buông lỏng”, “xem nhẹ” công tác lãnh đạo đối với các cơ quan báo chí. Cùng với đó, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định của Đảng, Nhà nước đối với những cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không khách quan, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.
Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức
Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”
Bốn là, chủ động, tăng cường thực hiện sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các “binh chủng” thông tin từ cấp Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị hiện nay. Sự phối hợp này phải đảm bảo bám sát thực tiễn, tích cực, chủ động, phát huy thế mạnh và vai trò của từng cơ quan báo chí, từng hệ lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện việc đấu tranh, tạo nên cuộc đấu tranh mang tính quy mô rộng khắp, thống nhất, chặt chẽ trong phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam sớm tạo hành lang chính trị - pháp lý, xây dựng cơ chế cụ thể, phù hợp cho việc phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh tốt hơn; khắc phục tình trạng sự phối hợp có nơi, có thời điểm còn thiếu hiệu quả.
Năm là, thực hiện tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị hiện nay. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ đề, sự kiện “nóng”, mang tính nhạy cảm; khắc phục tình trạng các thông tin xấu, độc, thông tin giả, thất thiệt lan truyền trong xã hội trước, sau đó báo chí mới “chạy theo” khắc phục mang tính sự vụ. Kiên quyết chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm của các trang thông tin điện tử, phương./.
Đức Anh
-
Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an
Thứ Năm, 21/11/2024
-
Chủ động nhận diện, đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, hoạt động ngoại giao của Việt Nam
Thứ Năm, 14/11/2024
-
Nhận diện, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại công tác cán bộ của Đảng trên không gian mạng
Thứ Năm, 14/11/2024
-
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc, phá hoại chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thứ Ba, 12/11/2024
-
Cảnh giác, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ Hai, 14/10/2024
-
Chủ động nhận diện và đấu tranh với các hội, nhóm phản động, chống đối Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội
Thứ Bảy, 12/10/2024
-
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về hiện vật danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong Công an nhân dân
Thứ Sáu, 11/10/2024
-
Nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc chính sách đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam
Thứ Sáu, 04/10/2024
-
Phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT tại Trường THPT Tạ Uyên, huyện Yên Mô
Thứ Ba, 01/10/2024
-
Chủ động nhận diện và đấu tranh với các luận điệu phá hoại, quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa
Thứ Sáu, 20/09/2024